Với việc chính phủ Trung Quốc kìm giá trị của đồng Nhân Dân Tệ so với mặt bằng chung của thế giới đã đẩy giá các hàng hóa của Trung Quốc trở nên đắt hơn so với hàng hóa của các nước khác. Nhưng không chỉ có Nhân Dân Tệ của Trung Quốc đang giảm giá, mà những đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang giảm giá trị. Vì thế việc cạnh tranh về giá của những nhà xuất khẩu Trung Quốc là điều không phải dễ dàng.
Vì vậy hôm 11/8, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phá giá nhân dân tệ 1,9%, sau đó đồng Nhân Dân Tệ giảm 3% trong 3 phiên liên tiếp.Hành động kích thích này Trung Quốc khiến Nhân Dân Tệ có cú sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1994.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc cần thả lỏng Nhân dân tệ để tiến tới tự do hóa và cũng để phục hồi xuất khẩu. Tuy vậy, việc tập trung mạnh vào giải quyết các vấn đề nội tại trong nước lại đang làm phức tạp hóa những tham vọng vươn ra toàn cầu của Trung Quốc. Bằng cách giảm giá đồng nội tệ, chính quyền nước này, vốn đang nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ các công ty, tập đoàn Trung Quốc mở rộng đầu tư ra toàn cầu, đang làm xói mòn sức mua của nước này.
Trước đó Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để làm một cuộc đánh đổi giữa ổn định tăng trưởng trong nước với việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế ra quốc tế. Hoạt động sản xuất - động lực tăng trưởng cốt lõi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng rất quan trọng, đang chịu áp lực rất mạnh, khi mà dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy xuất khẩu trong tháng 7 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy yếu đang chú ý ở đây đó là nền kinh tế Trung Quốc gặp phải một loạt các vấn đề khó khăn đến dồn dập. Khắp đất nước Trung Quốc, hàng triệu người công nhân, và hàng nghìn công ty đang gánh chịu nỗi đau trước hậu quả của sự giảm sút kinh tế, khi doanh số trượt dốc, thu nhập cũng sụt giảm.
Zhang Wei, thợ mộc tại một khu chợ vật liệu xây dựng tại Quảng Châu, cho biết số đơn đặt hàng đang giảm mạnh. Hu Sheng, người bán vật liệu kim loại ở ngay cạnh đó cũng đã giảm giá đến gần bằng giá gốc mà doanh số bán hàng vẫn sụt giảm tới 1/3.
Tại một chợ khác ở Quảng Châu, Zhang Xiaojun ngồi thất thần sau quầy thịt gà và than thở: “Năm ngoái, một ngày tôi bán được 30-40 con, giờ giỏi cũng chỉ được 10 con một ngày. Làm sao có thể sống nổi”.
Việc phá giá Nhân Dân Tệ tạo ra sự không chắc chắn, làm tổn hại niềm tin vào một nền kinh tế bền vững và ổn định nhất thế giới như chính phủ nước này luôn tuyên bố. Đây cũng là một bài kiểm tra đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giới lãnh đạo, giữa việc cân bằng nhu cầu, ổn định kinh tế trong nước và mở rộng ảnh hưởng kinh tế ra toàn cầu.
Willy Lam, chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc ở trường Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông cho rằng: “Đối với ông Tập Cận Bình, sự ổn định trong nước là ưu tiên hàng đầu. Điều đó sẽ là một ưu tiên cao hơn so với trách nhiệm đối với quốc tế của Trung Quốc. Biện pháp hỗ trợ kinh tế Trung Quốc sẽ tác động lớn tới nhiều đối tác thương mại của nước này”.
Bất ổn tiếp tục tăng cao
Bất ổn lao động tại Trung Quốc đang tăng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đặc biệt tại những tỉnh sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Hiện tượng quỵt tiền lương hay sử dụng bạo lực trong kinh doanh là vấn đề nhức nhối.
Mặc dù Trung Quốc thiếu những số liệu thống kê đáng tin cậy về tỷ lệ thất nghiệp, thị trường lao động đang đứng trước áp lực lớn. Tiêu dùng sụt giảm mạnh cho thấy túi tiền người dân đã giảm nhiều với hàng triệu người Trung Quốc đang phải tìm việc làm.
Đây là một vấn đề nhạy cảm. Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế là có thể chấp nhận được, miễn sao thị trường lao động vẫn vững mạnh. Li Daokui, nhà kinh tế tại trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết: “Nếu ông Tập Cận Bình không thể nâng cao mức sống cho người dân, thì điều đó sẽ làm tổn hại tính ổn định lâu dài chế độ chính trị nước này”.
Năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, tiếp cận chủ nghĩa tư bản và đón nhận đầu tư nước ngoài, ông đã bắt đầu thực hiện cải cách tại các khu vực trọng yếu, có địa thế thuận lợi như phía đông nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tiếp giáp với Hồng Kông. Người nối nghiệp ông cũng đã nối tiếp kế hoạch đó, và biến nơi đó trở thành điểm sáng lớn nhất thế giới của ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo ra những sản phẩm như lò vi sóng và máy tính, máy tính xách tay…Quảng Đông chính là bộ khung – nền tảng trong câu chuyện kinh tế của Trung Quốc. Những thành phố chính của Quảng Đông như Thâm Quyến, Đông Quản, Quảng Châu, đã phát triển thành một vùng độ thị rộng lớn, mật độ dân số mỗi vùng ngang ngửa với một trong những thủ phủ công nghiệp Mỹ là Los Angeles.
Khi xuất khẩu tăng mạnh, Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong nhiều thập kỷ.Sự giàu có này đã thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ngoài, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế ra quốc tế và hỗ trợ nhu cầu phát triển trong nước.
Tuy nhiên, ngành xuất khẩu giờ đây đang giảm tốc. Doanh số giảm đối với những nhà sản xuất nội thất, ví dụ, khi nhu cầu nước ngoài giảm sút, đặc biệt ở châu Âu – nơi đang chìm trong khủng hoảng nợ. Các gia đình Trung Quốc cũng đang chi tiêu ít hơn, doanh số bán nhà và giá bất động sản đang sụt giảm nghĩa là đang có ít người có nhu cầu cho các căn nhà mới.
Charles M. Hubbs, chủ sở hữu hãng Premier Guard, chuyên sản xuất thiết bị y tế tỉnh Quảng Đông, nói rằng việc giảm giá đồng Nhân Dân Tệ ước tính sẽ mang lại thêm 300,000 USD lợi nhuận mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ, ông nói, để làm cho công ty trở nên cạnh tranh hơn.
Bất chấp các vấn đề đang tồn tại trên thị trường việc làm, nhưng tiền lương hàng tháng của các công nhân tại các nhà máy của Premier Guard đã tăng gấp 10 lần trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên mức cao này đang ăn mòn vào lợi nhuận của hãng. Ông Hubbs đang xét đến phương án chuyển một phần hoạt động sản xuất của Premier Guard tới Texas – Mỹ, một cách để giảm chi phí vận tải và để tránh thuế nhập khẩu của nước Mỹ vì hàng của ông chủ yếu xuất đi Mỹ.
Ông Hubbs cho rằng: “Thậm chí nếu Nhân Dân Tệ có giảm tới 8-9%, thì các nhà đầu tư cũng không quay trở lại đặt sản xuất tại Trung Quốc vì họ sợ đồng Nhân Dân Tệ sẽ lại mạnh lên sau này”.
Khi doanh số sụt giảm, các nhà máy phải đóng cửa, thì đình công, bạo loạn lao động đã và đang tăng lên, con số thống kê của China Labor Bulletin, một tổ chức phi lợi nhuận tại Hồng Kông, cho biết có gần 200 vụ trong vòng 1 tháng.
Tại công ty Zhanheng ở Đông Quản, hôm 4/8, 700 công nhân đã biểu tình đòi tiền lương mà công ty nợ họ. Nhà quản lý công ty này đã đột ngột bỏ trốn và không trả lương cho công nhân. Những vụ bỏ trốn như thế đang rất phổ biến tại Trung Quốc. Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp liên tiếp bị bắt để điều tra tham nhũng.
Cân bằng các nhu cầu
Cách các cuộc biểu tình của công nhân đang diễn ra tại Quảng Đông hơn một nghìn mét, tại Bắc Kinh, Thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đang có nhiệm vụ hoạch đinh các chính sách tiền tệ vào những thời điểm phức tạp và khó khăn kinh tế Trung Quốc trong và ngoài nước.
Chu Tiểu Xuyên, cao và tao nhã, đã viết nhiều cuốn sách và bài báo nói về kinh tế Trung Quốc. Ông tự học tiếng Anh, thấm nhuần tư tưởng chính trị của Đảng cộng sản ngay từ hổi nhỏ. Cha ông, thứ trưởng của Bộ tài chính Trung Quốc vào đầu những năm 1960, chính là một trong những người thầy của cựu Tổng bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Ông Chu Tiểu Xuyên cần những ủng hộ trong việc thực thị chính sách tiền tệ để ổn định lại nền kinh tế Trung Quốc. Ông đã cho đồng Nhân Dân Tệ tương tác với thị trường nhiều hơn khi nới biên độ giao dịch tỷ giá lên 2% mỗi ngày, một sự tương tác có kiểm soát. Ông Chu cũng muốn thuyết phục thế giới rằng đồng Nhân Dân Tệ xứng đáng có một chỗ đứng trong nhóm những đồng tiền dự trữ mạnh trên toàn cầu, bao gồm đồng đô la USD, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh.
Vào tháng 3 năm nay, ông Chu Tiểu Xuyên đón chào bà Christine Lagarde, giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tới cuộc hội thảo tại Bắc Kinh. Ông đã nói với bà Lagarde và những nhà ngân hàng hàng đầu thế giới rằng ông sẽ tháo dỡ nhiều hạn chế, kiểm soát đối với Nhân Dân Tệ tiền tệ hơn.
Ông nói: “Một loạt những chính sách “dẫn đường” có tính tháo gỡ dần sự kiểm soát sẽ được ban hành vào năm nay, nhằm để đạt được những yêu cầu cho cơ bản cho một đồng tiền quốc tế khi được sử dụng trong thương mại toàn cầu”.
Tại thời điểm gặp giám đốc IMF, thống đốc Chu đã tạo ra viễn cảnh về việc Trung Quốc có thể đáp ứng những yêu cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để có thể được chọn vào rổ tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Bài kiểm tra lớn nhất đối với đồng Nhân Dân Tệ đó là xem đồng tiền này có được thả nổi tỷ giá hoàn toàn hay không hay vẫn bị chính phủ Trung Quốc áp dụng cơ chế thả nổi một phần.
Ông Chu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trung Quốc vừa phải nới lỏng chính sách tiền tệ và nới lỏng kiểm soát dòng vốn thúc đẩy kinh tế, vừa phải đáp ứng tiêu chuẩn của IMF trong bối cảnh áp lực, dòng vốn đầu tư rút khỏi nước này ngày càng gia tăng khiến các nhà điều tiết chính sách tiền tệ nước này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Bộ thương mại Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi phá giá Nhân Dân Tệ để giúp những nhà xuất khẩu nước này. Nhưng ông Chu Tiểu Xuyên không thể để đồng Nhân Dân Tệ rớt quá mạnh, vì e rằng nó có thể gây phản tác dụng đối với những công ty Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó có một vấn đề không thể bỏ qua đó là khoản nợ thanh toán bằng ngoại tệ của các công ty bất động sản đang rất lớn.
Dư Vĩnh Định, cựu thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của PBOC cho rằng: “Hơn 100 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài và hơn 800 nghìn sinh viên Trung Quốc đang du học ở nước ngoài. Và họ cần đồng Nhân Dân Tệ mạnh để có thể tăng thêm khả năng tài chính”.
Erica Law, 27 tuổi, làm việc tại một ngân hàng đầu tư Trung Quốc nói về kế hoạch mua một căn hộ tại Châu Âu của mình rằng, tỷ giá hối đoái giờ đang là một trong những yếu tố mà cô xem xét cho kế hoạch của mình:
“Những ngày gần đây, sự mất giá đồng Nhân Dân Tệ (gần 4%) không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch của tôi. Tuy nhiên nếu xu hướng mất giá này tiếp tục và đạt tới mức 10-20% chẳng hạn, nó sẽ thực sự ảnh hưởng đến những quyết định đi du lịch và đầu tư của tôi. Có lẽ lúc đó tôi sẽ chọn du lịch và đầu tư trong nước”.
Theo Trí thức trẻ/New York Times